Cả gia đình bạn sẽ không thể từ chối món ăn với thanh ngọt của măng hòa quyện cùng vị bùi của thịt. Vậy cùng vào bếp trổ tài nào.
Sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu sẽ khiến món ăn thơm ngon, hấp dẫn khó cưỡng.
Nguyên liệu:
– Măng ống: 500 g.
– Thịt lợn xay: 150 g.
– Nấm hương: 5 cái.
– Mộc nhĩ: 2 tai.
– Hành, mùi tầu, hạt tiêu, hạt nêm, gia vị.
Cách làm:
Bước 1: Măng rửa sạch, luộc qua vài lần nước cho bớt hăng và chất độc.
Bước 2: Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch, thái nhỏ. Hành, mùi tầu rửa sạch thái nhỏ. Thịt lượn chọn miếng có cả mỡ lẫn nạc. Đem băm hoặc xay nhuyễn. Ướp vào thịt 1/2 thìa nhỏ tiêu, 1/2 thìa nhỏ hạt nêm, 1/2 thìa nhỏ nước mắm.
Bước 3: Cho thịt đã xay vào bát cùng nấm hương, mộc nhĩ, hành hoa rồi trộn đều tất cả với nhau.
Bước 4: Dùng thìa khoét cho miệng măng sâu hơn, xúc từng thìa thịt nhồi vào trong ruột của từng chiếc măng, lấy thìa ấn chặt cho đầy miệng.
Bước 5: Cho 1 bát con nước vào nồi đun sôi, cho 1 thìa canh dầu ăn, 1 thìa nhỏ hạt nêm, 1/2 thìa nhỏ gia vị vào, tiếp theo cho măng vào đun sôi, hạ lửa vừa. Thỉnh thoảng trở mặt cho miếng măng thấm đều gia vị. Om đến khi còn khoảng 1/3 bát con nước, cho bột ngọt, hành và mùi tầu thái nhỏ vào. Cho ra đĩa để cho nguội bớt rồi cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
Cách khử độc của măng
– Bóc hết bẹ lá (vỏ măng), rửa sạch đất cát rồi có thể cắt thành lát mỏng hoặc xé nhỏ thành sợi đem ngâm vào nước sạch qua đêm cho bớt độc rồi rửa lại trước khi chế biến thành các món ăn.
– Măng tươi hái về bóc vỏ, bỏ vào nồi nước luộc. Luộc đi luộc lại khoảng 2-3 lần. Sau đó mang ra ngâm nước gạo trong vòng 2 ngày là ăn được (thay nước gạo thường xuyên, 2 lần/ngày). Hoặc luộc nhiều lần qua nước sôi rồi xả lại bằng nước sạch. Đến khi nào măng mềm nghĩa là chất đắng đã được loại bỏ, lúc đó mới đem chế biến món ăn.
– Bóc vỏ, cắt thành từng lát nhỏ, bỏ thêm nắm lá rau ngót rồi cho vào nồi luộc qua một lần. Khi măng đã chín, chắt hết nước nóng đi, rồi đổ nước lạnh vào, vớt bỏ lá rau ngót và xả lại với nước lạnh một lần nữa là có thể đem chế biến món ăn.
– Măng tươi để cả vỏ rồi xếp gọn vào trong nồi, cho thêm vài trái ớt đã bỏ hạt, cho nước gạo vào ngập gần hết măng. Đun lửa vừa, khi thử thấy măng mềm thì tắt lửa. Chờ măng nguội, vớt ra lột vỏ, rồi xả lại vài lần bằng nước sạch, măng sẽ không còn vị đắng và có thể đem chế biến món ăn.