Vai trò, ý nghĩa và nguyên tắc thiết kế giếng trời cho nhà phố

Việc mang ánh sáng và khí trời vào nhà đang là nhu cầu bức thiết của nhiều gia đình hiện nay, nhất là tại các đô thị lớn. Thiết kế giếng trời là giải pháp hữu hiệu, không chỉ giúp không gian sống thoáng sáng hơn mà còn góp phần mang đến sinh khí và tài lộc cho gia chủ.

Trong phạm vi bài viết này, Dothi.net giới thiệu tới bạn đọc nguyên tắc thiết kế, bài trí và những lưu ý về về mặt kỹ thuật lẫn phong thủy đối với giếng trời nhà phố.

Chức năng của giếng trời 

Giếng trời là gì?

Về cơ bản, giếng trời được hiểu là khoảng thông tầng từ mái xuống tầng trệt ngôi nhà theo phương thẳng đứng, không che khuất tầm nhìn lên bầu trời. Thiết kế này có thể có hoặc không trong kiến trúc nhà ở. Tuy nhiên, đối với nhà ống hoặc những nhà phố ba bên đều giáp hàng xóm, giếng trời là giải pháp kiến trúc mang tính kỹ thuật và mỹ thuật tối ưu giúp thông gió, lấy sáng cho không gian nội thất, đồng thời tạo điểm nhấn ấn tượng cho công trình.

gieng troi 1 bbcb
Không chỉ giúp không gian nhà thoáng sáng hơn, giếng trời còn tạo điểm nhấn ấn tượng.

Chức năng của giếng trời

Lấy sáng: Đối với nhà ống có mặt tiền nhỏ hẹp, chiều sâu lớn và ba mặt giáp các công trình khác, gia chủ nên thiết kế giếng trời với kích thước phù hợp để đón sáng tự nhiên, tạo nguồn sinh khí tươi mới cho ngôi nhà. Ánh sáng từ phần mái sẽ theo thân giếng xuống, lan tỏa khắp không gian nội thất.

Thông gió tự nhiên, điều hòa không khí: Một trong những chức năng quan trọng của giếng trời là lấy gió tự nhiên, giúp quá trình lưu thông không khí giữa bên trong ngôi nhà với bên ngoài diễn ra đều đặn, mang đến bầu không khí trong lành và tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người sống trong nhà. Chính vì vậy, nhiều gia đình hiện nay đều cân nhắc thiết kế giếng trời để giúp ngôi nhà thoáng mát hơn, nhất là trong mùa hè oi nóng.

Tiết kiệm chi phí cho năng lượng tiện tiêu thụ: Như chúng ta đã biết, giếng trời giúp không gian nhà trở nên thoáng sáng hơn nên gia chủ sẽ tiết kiệm được chi phí cho năng lượng điện thắp sáng và hệ thống làm mát. 

Ngoài ra, giếng trời còn có ý nghĩa quan trọng trong phong thủy nhà ở, có thể mang lại nguồn vượng khí tối đa cho chính bản thân gia chủ cũng như các thành viên trong gia đình (Xem thêm bài viết Phong thủy giếng trời và những điều bạn chưa biết)

gieng troi 5 3a39
Việc bố trí giếng trời sao cho đảm bảo cả về kỹ thuật, tính thẩm mỹ và phong thủy được cả gia chủ, kiến trúc sư lẫn nhà thầu cân nhắc khi lên kế hoạch thiết kế nhà.

Nguyên tắc thiết kế giếng trời

Vị trí và hướng của giếng trời:

Thực tế cho thấy, giếng trời được thiết kế ở nhiều vị trí trong nhà phố như cạnh cầu thang, nhà bếp, phòng ăn hoặc ở giữa nhà. Để khai thác tối đa chức năng lấy sáng và thông gió, gia chủ nên đặt giếng trời ở trên khu vực cầu thang. Bởi lẽ, cầu thang thường được bố trí ở trung tâm nhà và các không gian chức năng khác xoay xung quanh nên ánh sáng và không khí sẽ được lan tỏa đều khắp nhà. Chẳng hạn, các phòng trong nhà có thể tiếp xúc với giếng bằng cách mở cửa sổ trực tiếp ra giếng trời hoặc thông qua ban công riêng. Mặt khác, với vị trí trung tâm, gia chủ sẽ dễ dàng hơn trong việc trang trí giếng trời trở thành điểm nhấn bắt mắt, gây ấn tượng thị giác mạnh, giúp gia tăng giá trị thẩm mỹ cho công trình.

Thế nhưng, tùy theo kích thước và kiến trúc của ngôi nhà mà kiến trúc sư sẽ chọn vị trí thích hợp nhất cho giếng trời. Dù được đặt ở đâu thì giếng trời cũng phải đảm bảo được quá trình lưu thông không khí thuận lợi, không bị cản trở. Lưu ý là, gia chủ nên tránh bố trí giếng trời ở phần trước nhà bởi nơi đây vốn đã thông thoáng và kết nối trực tiếp với môi trường bên ngoài. Thay vì thế, bạn hãy cân nhắc đặt giếng ở giữa hoặc sau nhà để chiều lưu thông của gió có đường vào, đường ra.

gieng troi 2 b8fc
Giếng trời thường được thiết kế ở vị trí trung tâm ngôi nhà.

Kinh nghiệm cho thấy, bạn nên thiết kế giếng trời theo hướng Nam, Đông Nam để đón nhận nguồn sáng ổn định và không khí mát mẻ. Trong khi đó, nếu giếng trời quay về hướng Tây sẽ phải đối mặt với ánh nắng gay gắt vào buổi chiều, quay về hướng Đông lại hứng sức nóng mặt trời buổi sáng.

Cấu tạo, kích thước của giếng trời:

Giếng trời gồm 3 bộ phận chính là đáy giếng, thân giếng và đỉnh giếng. Trong đó, đáy giếng ở tầng dưới cùng, thường được bài trí tiểu cảnh, hòn non bộ… kết hợp hài hòa cùng phòng ăn hoặc không gian tiếp khách. Thân giếng có tác dụng lấy sáng cho các tầng trên của ngôi nhà. Phần đỉnh giếng giúp lấy sáng tự nhiên và thông gió cho không gian nội thất.

Về kích thước, giếng trời không nên làm quá to hoặc quá nhỏ, thường từ 4-6m2 để tránh ảnh hưởng tới tổng thể chung của ngôi nhà. Đối với nhà có nhiều cửa sổ, kích thước giếng hợp lý sẽ phải nhỏ hơn 5% diện tích sàn và nhỏ hơn 15% diện tích sàn với nhà có ít cửa sổ. Kiến trúc sư sẽ căn cứ vào diện tích khu đất để xác định độ rộng cho giếng, thường sẽ không nhỏ hơn 1m bởi sẽ gây mất thẩm mỹ. Kinh nghiệm cho thấy, nếu chiều dài nhà ống từ 10m trở lên thì nên thiết kế giếng trời. Mặt khác, nhà càng cao thì giếng càng phải rộng. Bề rộng của giếng trời trong biệt thự liền kề hoặc nhà phân lô thường chỉ rộng 3-5m2.

Diện tích giếng trời theo tiêu chuẩn xây dựng phải chiếm 10% diện tích nhà ở. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn tùy thuộc vào chiều rộng, chiều cao, chiều sâu, hình dáng của ngôi nhà. Giếng trời quá nhỏ sẽ không có tác dụng đối với nhà cao hoặc rộng.

gieng troi 3 14f9
Giếng trời gồm 3 bộ phận chính là đáy giếng, thân giếng và đỉnh giếng

Vật liệu làm mái che:

Trước hết, vật liệu làm mái che giếng trời phải là loại vật liệu đảm bảo vừa che chắn vừa đón sáng tự nhiên vào nhà. Việc gia chủ chọn được vật liệu tốt không chỉ giúp giếng phát huy tác dụng tối đa mà còn tạo điểm nhấn bắt mắt cho không gian sống.

– Tôn, bạt:

Hai loại vật liệu truyền thống này được sử dụng để làm mái vòm, mái hiên di động, mái xếp, mái che giếng trời. Ưu điểm của tôn, bạt là có thể thay thế nhanh chóng, tháo lắp dễ dàng và tiết kiệm chi phí. Thế nhưng, vật liệu bằng tôn hoặc bạt lại không đón được nhiều ánh sáng tự nhiên, độ bền kém và người dùng có thể phải mở ra, đẩy vào hàng ngày rất bất tiện.

– Kính: 

Ưu điểm vượt trội của mái che giếng trời bằng kính là có thể hấp thu ánh sáng tới 90%, tính thẩm mỹ cao, tạo cảm giác thoáng rộng, sang trọng hơn cho ngôi nhà và dễ dàng lau chùi khi bị bám bẩn. Chính vì vậy, mái che bằng kính thủy tinh được nhiều gia chủ ưa chuộng. Tuy nhiên, nhược điểm vật liệu này là giá thành cao hơn khá nhiều so với các loại khác. Hơn nữa, việc lắp đặt cũng yêu cầu phải có kỹ thuật cao bởi nếu sơ suất kính bị vỡ sẽ rất nguy hiểm cho người dùng.

– Tấm lấy sáng polycarbonate:

So với kính, tấm lấy sáng polycarbonate có nhiều ưu điểm nổi bật hơn. Thứ nhất, giá thành của vật liệu này thấp hơn. Thứ hai, sản phẩm gọn nhẹ nên dễ lắp đặt, thi công. Thứ ba, polycarbonate chịu được lực gấp nhiều lần kính, nhựa trong suốt đón sáng tối đa và có tuổi thọ cao (20 năm). Thứ tư, polycarbonate cách nhiệt, cách âm tốt, có thể chống lại tia UV, có độ mềm dẻo nên dễ tạo mái vòm đẹp. Đây là vật liệu làm mái che giếng trời phổ biến và được yêu thích nhất hiện nay.

vat lieu lam gieng t e77e
Tấm lấy sáng polycarbonate là vật liệu làm mái che giếng được ưa chuộng nhất hiện nay.

Trang trí khu vực giếng trời:

Có nhiều cách để trang trí khu vực giếng trời tùy vào sở thích và điều kiện của mỗi gia đình. Thông thường, có 3 nơi chính để làm đẹp cho giếng trời là đỉnh giếng, diện tường và đáy giếng.

Gia chủ có thể trang trí đỉnh giếng bằng chính hệ khung mái và hoa sắt. Khi được ánh nắng mặt trời chiếu xuyên qua, những kết cấu thép này sẽ đổ bóng lên tường rất đẹp mắt. Đối với diện tường của giếng trời, chủ nhân có thể ốp đá tự nhiên để tạo điểm nhấn, vẽ hoa văn sống động cho các bức vách hoặc treo những chậu cây nhỏ xinh kết hợp đèn trang trí.

Xem thêm: Gợi ý lựa chọn cây trồng phù hợp cho giếng trời chuẩn phong thủy?

Đặc biệt, gia chủ nên cân nhắc đầu tư thiết kế tiểu cảnh cây xanh, hòn non bộ, bể cá… ngay dưới đáy giếng để tạo bầu không khí trong lành, mát mẻ cho không gian sống. Nếu diện tích hạn chế, rất đơn giản, bạn chỉ cần rải sỏi, đặt một vài chậu cảnh xanh mướt, thêm vài bình gốm trang trí cũng đủ để khiến khu vực này trở nên ấn tượng hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo hài hòa với tổng thể không gian, hợp phong thủy, bạn nên tham vấn ý kiến của kiến trúc sư, người có chuyên môn khi thiết kế tiểu cảnh giếng trời. 

gieng troi 4 4e83
Giếng trời cùng với mặt tiền gạch lỗ tạo hoa nắng đẹp mắt cho không gian nội thất.

3. Những lưu ý khi thiết kế giếng trời

Về mặt kỹ thuật:

– Tường giếng trời không nên làm phẳng nhẵn: Về bản chất, giếng trời là một cái ống nên âm thanh truyền trong giếng rất rõ và vang. Người ở tầng dưới nói chuyện, tầng trên có thể nghe thấy, rất phiền phức và ảnh hưởng tới tính riêng tư. Chính vì thế, gia chủ nên tránh làm tường giếng phẳng nhẵn. Để tiêu âm, tường giếng cần có một số mảng sần, nhám bằng cách sơn gai, ốp gạch trần, gạch thẻ hoặc đá tự nhiên.

– Tránh làm mái che quá mỏng: Đối với các nước vùng nhiệt đới, ánh nắng mùa hè gay gắt chiếu thẳng xuống giếng trời có thể khiến sàn nhà, cầu thang gỗ và một số vật dụng trong khu vực này bị phai màu, xuống cấp nhanh chóng. Do vậy, gia chủ có thể lắp thêm rèm che dưới mái giếng để điều tiết linh hoạt lượng ánh sáng vào nhà. 

– Không nên để khe hở rộng, lan can thấp: Thông thường, các khu thông tầng có chiều sâu hun hút nên gia chủ cần làm lan can ngăn cách để đảm bảo an toàn, nhất là đối với gia đình có trẻ nhỏ. Chiều cao và khoảng cách của khe hở lan can cần đảm bảo trẻ không thể trèo qua. 

– Tránh treo đèn chùm hoặc vật trang trí quá nặng: Đèn chùm hoặc chậu cây trang trí diện tường quá nặng có thể gây nguy hiểm cho các thành viên nếu phía dưới giếng là không gian sinh hoạt hoặc lối lưu thông, thường xuyên có người qua lại.

– Thiết kế tốt hệ thống thoát nước sàn: Nhiều gia đình thường không làm mái che để đón nắng gió và nước mưa cho tiểu cảnh cây xanh bên dưới. Trong trường hợp này, chủ nhân cần thiết kế tốt hệ thống thoát nước ở đáy giếng. Đồng thời, để tránh dây bẩn ra khu vực lân cận, bạn cần che chắn xung quanh phần sàn giếng.

– Cây cảnh, đèn trang trí trên diện tường dễ bảo dưỡng và chăm sóc: Nếu đèn chiếu sáng, cây xanh bố trí xa tầm với thì việc bảo dưỡng, thay thế sẽ gặp khó khăn. Thậm chí, để thay một bóng đèn hỏng, bạn phải lắp cả giàn giáo. Chưa kể, việc chăm sóc cây cảnh, lau chùi các bức tranh hoặc phù điêu… cũng gặp khó.

– Thiết kế tiểu cảnh nhẹ nhàng, thông thoáng đúng với bản chất của không gian chức năng này, tránh trang trí phức tạp, rườm rà gây rối mắt.

Về mặt phong thủy:

Theo quan điểm phong thủy, giếng trời không chỉ đóng vai trò cung cấp không khí trong lành và ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe, tài lộc của gia chủ. Vậy nên, khi thiết kế giếng trời, bạn không nên bỏ qua những lưu ý dưới đây:

– Giếng trời cần được đặt ở những cung tốt như Thiên mạng, Tài lộc;

– Kỵ đặt giếng ở trước nhà bởi nó sẽ phản tác dụng luân chuyển không khí và chắn khí tốt vào nhà;

– Nên đặt giếng ở khu vực trung tâm của ngôi nhà bởi vị trí này mang đặc tính của hành Thổ, giúp cân bằng các hành khác theo nguyên tắc Hỏa thăng – Thủy giáng – Thổ bình;

– Nếu mặt bằng nhà thiếu vuông vắn, gia chủ nên đặt giếng ở góc méo để hóa giải sát khí;

– Khu vực giếng trời nên có cây xanh và yếu tố nước, nhất là dạng nước chảy nhẹ nhàng từ trên tường xuống.

Hy vọng rằng, với những kiến thức cơ bản về giếng trời mà Dothi.net chia sẻ trên đây, bạn đọc sẽ nắm được nguyên tắc thiết kế, cách bài trí khoảng thông tầng này hữu ích này.

Theo Báo mới

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *