Vợ chồng tôi xây nhà to, rộng nhưng các con không chịu ở cùng

Vợ chồng ông Trần Nguyên xây nhà 3,5 tầng, tổng diện tích hơn 400m2 với mong muốn đại gia đình có thể cùng chung sống, quây quần bên nhau. Tuy nhiên, các con của ông bà không ai muốn ở với bố mẹ.

Dưới đây là chia sẻ của ông Trần Nguyên (65 tuổi) ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội về việc xây nhà rộng hơn 400m2 nhưng không mời được con cái ở cùng. Hiện tại, chỉ có 2 ông bà sinh sống ở đây, mỗi lần lau dọn rất vất vả:

Sở hữu mảnh đất rộng 160m2 nên trước khi về hưu khoảng 1 năm, tôi bắt đầu xây nhà mới trên mảnh đất này. Ở thời điểm đó, 2 con trai tôi (một 30 tuổi và một 27 tuổi) vẫn chưa lập gia đình. Tôi vốn là người thích mô hình tam – tứ đại đồng đường, mong muốn con cháu cùng chung sống nên chủ trương xây nhà thật to. Vì thế, tôi đã thuê kiến trúc sư thiết kế thật cẩn thận. Sau khi chừa 30m2 để làm sân, tôi cho xây hết toàn bộ 130m2 còn lại. Tổng diện tích sử dụng lên tới hơn 400m2.

Tầng 1 là không gian dành cho phòng khách, phòng bếp – ăn và 1 phòng ngủ của vợ chồng tôi. Tầng 2 và 3 được bố trí 2 phòng ngủ mỗi tầng dành cho gia đình của các con. Tầng tum chỉ xây một nửa để thờ cúng, phần còn lại làm kho và sân phơi.

Toàn bộ chi phí xây dựng hết gần 3 tỷ. Đây là khoản tiết kiệm của cả cuộc đời tôi. Khi làm nhà, tôi muốn công trình thật hoành tráng, to đẹp và đầu tư khá nhiều vào nội thất. Khi nhận bàn giao nhà, tôi cảm thấy tự hào và hạnh phúc bởi việc lớn cả đời đã được hoàn thành. Tôi chỉ mong các con sớm yên bề gia thất để chúng tôi có cháu bế.

to 9295 1544070310 294b
Hiện nay các gia đình có xu hướng xây nhà to, rộng nhưng không ở hết.

Sau khi xây nhà được 1 năm, con trai cả lấy vợ. Vợ chồng chúng ở tầng 2, còn cậu út trên tầng 3. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, vợ chồng con trai cả muốn ra ở riêng. Khi đó, con dâu tôi mang bầu, nhà ở cách công ty gần 20km nên chúng muốn tìm thuê nhà gần chỗ làm. Vợ chồng nó thuê một căn chung cư, sau khi biết chủ nhà có ý định bán thì chúng vay bạn bè để mua đứt luôn căn chung cư. Vì thế, chỉ còn vợ chồng tôi và con út trong ngôi nhà rộng thênh thang.

Đến năm 2016, đứa con út cũng lấy vợ và sống tại tầng 2. Nhà có 4 thành viên nên cũng đỡ hiu quanh hơn trước. Tuy nhiên, hai đứa khó khăn mãi chưa có “tin vui” nên đến đầu năm 2017, con trai út thưa với vợ chồng tôi là muốn ra ngoài thuê nhà ở để thay đổi không khí. Vì muốn động viên con và thấy con trai tỏ ra cương quyết nên vợ chồng tôi miễn cưỡng đồng ý. Chỉ sau nửa năm, con dâu tôi đã có bầu.

Lúc này, vợ chồng tôi vẫn nuôi hy vọng các con sẽ về ở cùng để chúng tôi chăm. Tuy nhiên, con trai tôi nói ở ngoài đã quen và tránh được xích mích, mâu thuẫn không đáng có giữa hai thế hệ. Cháu cho rằng, sau này khi sinh con, quan điểm giáo dục con cái của ông bà và bố mẹ khác nhau nên dễ nảy sinh cãi vã. Vì thế, cháu vẫn muốn sống riêng và sẽ về thăm ông bà vào dịp cuối tuần.

Khi con dâu út sinh cháu, mẹ ruột cháu ốm đau không giúp đỡ được nên vợ tôi thường xuyên phải đến chăm, còn lại mình tôi ở nhà. Suốt gần một năm, chỉ mình tôi thui thủi trong ngôi nhà 3 tầng khang trang nhưng thiếu hơi người. Vào dịp cuối tuần, con trai cả mang cháu về chơi, tôi mới đỡ buồn.

Giờ đây, tôi cảm thấy hối hận vì đã xây nhà quá to, lãng phí và thừa thãi. Các con nói sẽ thường xuyên về thăm bố mẹ, tuy nhiên làm sao bằng ở chung được. Ngôi nhà chỉ đông người vào những ngày lễ tết, còn lại mấy trăm ngày đều vắng vẻ.

Theo kiến trúc sư Đức Anh, những người trẻ, những cặp vợ chồng mới cưới tại các đô thị có xu hướng ở riêng. Mô hình tam – tứ đại đồng đường truyền thống không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Quan điểm, lối sống có sự khác biệt giữa các thế hệ khiến các thành viên khó hòa hợp với nhau. Thị trường nhà đất có nhiều lựa chọn là nhân tố tích cực để người trẻ ra riêng.

Do đó, khi xây nhà cửa, cha mẹ nên bàn bạc, thống nhất với các thành viên trong gia đình để thiết kế công trình cho phù hợp với nhu cầu thực tế, tránh lãng phí không cần thiết.

Theo VnExpress.net

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *