Theo y học cổ truyền, âm hư do nhiều nguyên nhân gây nên như bị tà khí nhiệt táo xâm nhập, ăn uống quá nhiều đồ cay nóng, rối loạn tình chí… khiến cho tân dịch hao tổn, âm dịch hư suy. Dinh dưỡng học cổ truyền khuyên người bệnh thể âm hư nên trọng dụng các đồ ăn thức uống thanh bổ, ngọt mát nhu nhuận, sinh tân dưỡng âm bổ thận, như:
1. Thịt vịt: Theo Đông y, thịt vịt có vị ngọt, mặn, tính bình; vào tỳ, vị, phế, thận. Có tác dụng tư âm dưỡng vị, lợi thủy tiêu thũng, giải độc. Ngoài làm thực phẩm, thịt vịt còn là vị thuốc chữa bệnh. Mật, gan, tiết và mề vịt cũng được dùng làm thuốc. Dân gian thường coi thịt vịt trắng là bổ âm tốt nhất.
2. Thịt lợn: Theo Đông y, thịt nạc lợn (trư nhục) có vị ngọt, mặn, tính bình, vào tỳ vị thận. Có tác dụng tư âm nhuận táo. Dùng cho các trường hợp nhiễm trùng, sốt cao, mất nước, ho khan, táo bón, đái tháo đường, suy kiệt thiểu dưỡng.
3. Trứng gà: Trứng gà là thức ăn và cũng là một vị thuốc quý. Về mặt trị liệu theo Đông y, trứng gà có vị ngọt, tính bình, có tác dụng tư âm nhuận táo, dưỡng huyết an thai, dùng để bổ dưỡng, chữa ho khan, khản tiếng, mắt đỏ họng đau, thai động không yên, sản hậu miệng khát, kiết lỵ, bỏng…
4. Ba ba: Theo Đông y, ba ba vị ngọt, tính bình; vào can, thận, có tác dụng tư âm dưỡng huyết, lương huyết thanh nhiệt, bổ thận cường kiện gân cốt. Dùng cho các trường hợp sốt nóng, đau nhức xương khớp do phong thấp, hội chứng lỵ mạn tính, huyết khối, huyết trắng, các dạng u bướu sưng nề, là loại thực phẩm thanh bổ tuyệt vời cho người bị âm hư.
5. Hến: Theo y học cổ truyền, thịt hến (nghiễn nhục) có vị ngọt mặn, tính hàn, không độc; có tác dụng hoạt tràng, thông khí, mát gan, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu. Vỏ hến (nghiễn xác) có vị mặn, tính ấm, không độc; có tác dụng cố tinh, làm se, long đờm, chống nôn.
6. Trai: Trai sông vị ngọt mặn, tính hàn. Công năng chủ trị: Tư âm lợi thủy, hóa đàm nhuyễn kiên tán kết. Dùng cho các trường hợp âm hư, sốt nóng (lao phổi, đái tháo đường), ho khan, mất ngủ, đau mỏi thắt lưng, phù nề, tiểu ít, bạch đới, huyết trắng, viêm sưng hạch, u tuyến giáp, vàng da.
7. Hải sâm: Theo Đông y, hải sâm vị mặn, tính ấm có công dụng bổ âm, bổ thận, ích tinh, dưỡng huyết, nhuận táo; thường được dùng để chữa các chứng bệnh như tinh huyết hao tổn, hư nhược, tiểu tiện nhiều lần, táo bón và bổ trợ trong điều trị bệnh suy thận. Hải sâm còn có khả năng phòng chống khối u, chống chứng máu loãng, giảm mỡ máu, giảm đường huyết. Đây là một loại thực phẩm điển hình có công dụng tư âm bổ thận.
Ngân nhĩ.
8. Kỷ tử: Vị ngọt, tính bình, có công dụng tư âm bổ thận ích thọ, là thứ quả cực kỳ hữu ích cho những người mắc chứng thận âm hư gây đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, lưng gối đau mỏi…, đặc biệt tốt để trị liệu lao phổi, đái tháo đường, hư lao…
9. Ngân nhĩ: Theo y học cổ truyền, ngân nhĩ vị ngọt nhạt, tính bình; vào phế, vị, thận. Với công năng tư âm nhuận phế, ích khí bổ thận, hòa huyết hoạt huyết, ngân nhĩ được dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, lao phổi, viêm khí phế quản, khái huyết, đàm huyết, miệng khô, họng khô rát, nóng rát cồn cào vùng bụng, chữa kiết lỵ, trĩ, đau răng, kinh nguyệt không đều; tăng huyết áp, táo bón…
Theo Phunutoday