Thời điểm đầu năm mới (mùa đông xuân), nhiệt độ hạ thấp gây rét đậm, rét hại, độ ẩm trong không khí không ổn định, đan xen những ngày lạnh và khô là những ngày mưa ẩm. Thời tiết thất thường luôn làm các bà mẹ lúng túng trong việc chăm sóc bé yêu của mình như thế nào là tốt và đúng cách.
Không ít bà mẹ chỉ chăm sóc con theo kinh nghiệm dân gian hoặc cảm tính đã khiến con mình trở nên ốm nhiều hơn. Những sai lầm phổ biến dưới đây của cha mẹ khi chăm sóc trẻ trong ngày lạnh.
Cho mặc bỉm 24/24 giờ
Con mặc bỉm suốt ngày sẽ tiện nhiều bề cho mẹ và giữ ấm cho trẻ. Tuy nhiên, việc làm này không tốt vì bỉm để lâu có thể gây tổn hại đến sức khỏe và làn da của bé. Trẻ đóng bỉm suốt ngày bị dính nước tiểu dễ bị lở loét, ảnh hưởng xấu tới da. Do đó, trẻ bị hăm là một điều khó tránh khỏi khi phải đóng bỉm thường xuyên. Hơn nữa, khi trẻ đi tiểu nhiều mà chưa kịp thay bỉm, nước tiểu trong bỉm sẽ ngấm ngược gây lạnh cho trẻ.
Đặc biệt, việc dùng bỉm thường xuyên kéo dài ở bé trai còn gây hại cho tinh hoàn. Đeo bỉm thường bị kín hơi, lại bó sát vào cơ thể trẻ, dễ làm cho nhiệt độ tăng lên, trong khi đó nhiệt độ thích hợp nhất cho tinh hoàn bé trai là khoảng 34oC. Khi nhiệt độ tăng lên tới 37oC và nếu tình trạng này diễn ra lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến tinh hoàn trong việc sản xuất tinh trùng sau này.
Không dùng nước quá nóng tắm cho trẻ, nên tắm cho trẻ nhiệt độ từ 33 – 36oC.
Sử dụng điều hòa, máy sưởi ở nhiệt độ cao
Giữ cho phòng ngủ của trẻ kín gió và ấm áp là cần thiết. Nhưng nếu cứ đóng kín cửa phòng 24/24 giờ sẽ khiến không khí trong phòng ngột ngạt, thiếu ôxy, khiến cơ thể mệt mỏi và làm tăng lượng vi khuẩn sinh sôi. Bên cạnh đó, nhiều gia đình lạm dụng các loại thiết bị sưởi ấm như điều hòa, máy sưởi sẽ khiến không khí trong phòng rất khô và cơ thể có nguy cơ mất nước, khô da, khô mũi, ảnh hưởng đến hệ hô hấp gây khó thở ở trẻ em. Vì vậy, cha mẹ chỉ cần đảm bảo nhiệt độ trong phòng luôn ấm áp với nhiệt độ khoảng 28oC, thông thoáng và tránh gió lùa là tốt nhất. Trước khi cho trẻ ra ngoài nên mặc thêm áo khoác và đi giày ấm để tránh cảm lạnh đột ngột.
Dùng nước quá nóng để tắm cho trẻ
Dù trời lạnh thì một tuần cũng nên tắm cho trẻ 2-3 lần. Việc ngại tắm hoặc khi tắm thì dùng nước rất nóng vì sợ trẻ bị lạnh cũng đều là sai lầm. Nhiệt độ nước thích hợp cho trẻ tắm mùa đông là từ 33-36oC. Khi dùng tay để thử thì người lớn cảm thấy nước đủ ấm tức là nước đó bị nóng với trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên dùng nhiệt kế để xác định nhiệt độ nước tắm thích hợp cho trẻ. Khi tắm cho trẻ cần tắm trong phòng kín gió, nếu cần thiết chuẩn bị thêm quạt sưởi và chỉ tắm tối đa trong thời gian từ 5-7 phút để tránh cảm lạnh.
Ủ ấm quá mức
Để chống lại cái lạnh giá của mùa đông, cha mẹ thường mặc cho trẻ rất nhiều quần áo. Tuy nhiên đây là một điều hoàn toàn sai lầm, việc ủ ấm quá mức có thể sẽ gây thêm bệnh cho trẻ. Cha mẹ cần biết, thân nhiệt của trẻ không giống như người lớn vì vậy chúng sẽ cảm thấy nóng hoặc lạnh nhanh hơn. Nếu mặc quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, đầu, rồi ngấm ngược lại dẫn đến cảm lạnh, viêm phổi… Việc ứ đọng mồ hôi trên da còn là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về da, gây ngứa ngáy, khó chịu.
Một việc làm thường thấy, nhất là với các trẻ ở nông thôn là đội mũ ấm khi đi ngủ. Đối với trẻ sơ sinh, đầu là nơi tạo ra khoảng 40% thân nhiệt, nhưng đồng thời lại là nơi giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể. Chính vì vậy, việc đội mũ và dùng băng quấn thóp là cần thiết với bé mới sinh (đặc biệt là các bé sinh non) nhưng với bé khỏe mạnh và đã được vài tháng tuổi, việc đội mũ khi ngủ là không cần thiết, mà ngược lại sẽ khiến nhiệt độ của não bé tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của vùng thần kinh kiểm soát hô hấp.
Không cho trẻ ra ngoài trời
Trong ngày lạnh, phần lớn trẻ ở trong phòng kín. Có bé vài ngày không ra ngoài trời. Việc ở trong phòng lâu ngày sẽ khiến trẻ ốm yếu và dễ mắc bệnh hơn. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, cần được ra ngoài trời tắm nắng hàng ngày để hấp thụ vitamin D, rất có lợi cho quá trình phát triển của trẻ. Thời điểm lí tưởng để mẹ cho trẻ ra ngoài đón nhận ánh nắng mặt trời vào mùa đông là vào khoảng 8-9h30 và thêm khoảng 10-15 phút buổi chiều từ 15-17h. Trẻ cũng cần được vận động ngoài trời để tăng khả năng thích nghi với các yếu tố thời tiết, tăng sức đề kháng, phòng tránh được nhiều bệnh dễ lây nhiễm. Tuy nhiên, khi cho trẻ chơi ngoài trời, cần lưu ý mặc quần áo đủ ấm nhưng vẫn thoáng để khi trẻ ra mồ hôi không thấy quá nóng, thường xuyên kiểm tra mồ hôi lưng để kịp thay áo cho trẻ.
Ðể bụng bé bị nhiễm lạnh
Trẻ nhỏ khi ngủ thường hay đạp tung chăn, hở chân, hở bụng… Điều này sẽ khiến cho bé bị lạnh bụng dẫn đến đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa… Tuy nhiên, không ông bố, bà mẹ nào có thể thức cả đêm để kéo áo, che bụng cho con… Vì vậy, trước khi trẻ đi ngủ nên cho trẻ mặc loại áo liền quần hoặc cho trẻ đắp chăn túi (loại chăn riêng có phéc-mơ-tuya để bảo vệ bụng không bị nhiễm lạnh) và đi bít tất cho trẻ đề phòng trẻ bị nhiễm lạnh.
Lời khuyên của thầy thuốc
Một đứa con khôn lớn, mạnh khỏe là mong ước của cha mẹ. Vì vậy, mọi người cần biết các phương pháp bảo vệ sức khỏe khoa học cho con mình. Đó là: tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng việc bổ sung thực đơn đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các loại rau xanh, trái cây chứa nhiều vitamin cần thiết. Cần cho trẻ uống đủ nước, nên uống nước ấm. Giữ ấm cơ thể cho trẻ đúng mức, không nên mặc quá nhiều quần áo khiến trẻ đổ mồ hôi và bị nhiễm lạnh trở lại. Nhắc nhở trẻ rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi chạm vào các vật dụng nơi công cộng như tay nắm cửa, vòi nước, bàn ghế… Vệ sinh môi trường sống cho trẻ sạch sẽ. Hạn chế cho trẻ tới nơi đông người, tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh, tránh xa các nguồn ô nhiễm như khói bụi, khói thuốc lá… Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng bệnh.
Theo Phunutoday