Rau muối, tên khoa học Chenopodium album L. Rau muối mọc hoang khắp nơi trên đất nước ta. Dân ở các nước Á Đông, người ta thu hái các ngọn non và lá non của các cây hoang dại làm rau ăn, bằng cách dùng luộc, xào hoặc nấu canh. Nó cũng là vị thuốc trị bệnh đường tiêu hóa, ngoài da…
Thân lá rau muối chứa hydrat carbon, protein, glucid, cellulose, khoáng toàn phần, calcium, phosphor, các vitamin A và C. Theo Đông y, rau muối có vị ngọt, tính bình, hơi độc (không nên lạm dụng). Có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, sát trùng, chỉ tả lỵ, chống ngứa. Dùng chữa kiết lỵ, đau bụng tiêu chảy, da lở ngứa, côn trùng hoặc rắn độc cắn. Sắc nước ngâm súc miệng chữa sâu răng, rửa các mụn lở có giòi và giã đắp các vết thương do côn trùng cắn hay lang ben, hắc lào. Hải Thượng Lãn Ông dùng rau muối chữa bí tiểu, bụng trướng. Để làm thuốc, người ta hái toàn cây, dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô. Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh từ rau muối:
Chữa bí tiểu, bụng trướng: rau muối và lá đa lông, đều 20-30g, sắc uống.
Chữa đi lỵ đau bụng: toàn cây rau muối 30-60g, sắc nước uống.
Chữa răng lợi sưng đau: cây rau muối, lượng thích hợp, nấu nước ngậm súc miệng.
Chữa ghẻ, lở ngứa: cành lá cây rau muối, nấu nước rửa. Có thể rửa các mụn lở và giã đắp các vết thương do côn trùng cắn hay lang ben, hắc lào.
Chữa toàn thân lở ngứa: toàn cây rau muối, dã cúc hoa, lượng bằng nhau, nấu nước xông, rửa.
Côn trùng cắn: cành lá cây rau muối, giã nát nhuyễn đắp chỗ tổn thương.
Chữa lang ben: cây rau muối 150g, cây cà (thân cành và gốc) 90g, cây ké đầu ngựa 150g. Tất cả phơi khô, đốt thành than; nấu lấy nước cô đặc thành cao bôi vào chỗ bị bệnh; hoặc sử dụng các vị thuốc trên, lượng thích hợp, nấu lấy nước đặc bôi.
Rau muối là một loại rau sạch (không thấy sâu bệnh) không độc hại. Nếu tận dụng đất hoang để trồng nhiều, có thể làm rau ăn, thậm chí là loại rau đặc sản. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều, vì cây có chứa nhiều acid oxalic…
Theo Phunutoday