Sỏi thận một bệnh khá phổ biến ở Việt Nam, gặp ở mọi lứa tuổi là do kết quả của sự kết tủa hay lắng đọng một số chất đáng lẽ có thể hòa tan trong nước tiểu.
Thế nhưng, vì một lý do nào đó, chúng đã kết tinh, lắng đọng lại và tạo sỏi trong thận.
Bình thường, quá trình hình thành sỏi không có triệu chứng rõ ràng và diễn ra một cách âm thầm nên nhiều người không biết mình bị sỏi thận.
Và họ chỉ thấy biểu hiện như đau ở vùng dưới, đi tiểu ra máu, đái rắt, sốt… thì sỏi đã xuất hiện trong thận.
Biến chứng sỏi thận thường gặp nhất là cản trở đường tiểu làm ứ đọng nước tiểu gây tổn thương thận, suy thận, đặc biệt khi có nhiễm khuẩn đường tiểu đi kèm. Không những thế, đây là căn bệnh rất dễ tái phát.
Vì vậy, hãy “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Để ngăn ngừa sỏi thận, ngay từ bây giờ, bạn hãy từ bỏ những thói quen ăn uống cũng như sinh hoạt sau.
1. Bỏ bữa sáng
Trong xu thế “sống gấp, sống vội”, nhiều người luôn bận rộn với công việc, chịu nhiều áp lực thời gian nên thường bỏ qua bữa sáng. Nhưng không ngờ, thói quen tưởng chừng như vô hại ấy lại chính là nguyên nhân gây ra sỏi thận.
Dù là bữa sáng, bạn cũng nên ăn đủ chất như thịt, trứng… và không thể thiếu rau xanh, củ quả.
Đơn giản là sau một đêm dài nghỉ ngơi, cơ thể cần bổ sung năng lượng. Túi mật sẽ bài tiết dịch mật vào buổi sáng để thực hiện tiêu hóa thức ăn.
Do đó, nếu không ăn sáng, mật sẽ không có thức ăn để tiêu hóa, dịch mật sẽ ở trong túi mật lâu hơn. Tình trạng này kéo dài, dịch mật sẽ tích tụ trong túi mật và kết tủa thành sỏi.
Bởi vậy, dù bận rộn đến đâu, bạn không nên quên bữa sáng.
2. Ăn quá nhiều chất béo
Ngày nay, những bữa tiệc hay “nhậu nhẹt” luôn tràn ngập những món ăn chứa nhiều chất đạm và chất béo. Và tiêu thụ các món ăn này chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh sỏi thận.
Bởi thức ăn giàu protit và chất béo sẽ tăng thêm hàm lượng cholesterol trong dịch mật, hình thành nên sỏi.
Do đó, bạn nên hạn chế tiêu thụ những món ăn như mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh sỏi thận.
3. Ăn quá nhiều thực phẩm chứa canxi
Chúng ta luôn sợ bị loãng xương, nên cứ cố bồi bổ càng nhiều canxi cho cơ thể càng tốt. Một chế độ ăn quá nhiều thực phẩm chứa canxi sẽ khiến cơ thể dư thừa canxi. Mà lượng canxi dư thừa sẽ tích tụ trong thận và hình thành sỏi.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên kiêng khem quá mức những thực phẩm chứa canxi vì như thế sẽ gây ra mất cân bằng trong việc hấp thu canxi, khiến cơ thể hấp thu nhiều hơn oxalat từ ruột và sẽ tạo sỏi thận.
Hơn nữa, việc hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa canxi sẽ khiến cơ thể bị loãng xương. Vì thế, chúng ta phải biết cân bằng thực phẩm trong chế độ ăn hàng ngày.
4. Uống ít nước
Ai cũng biết mỗi ngày, cơ thể cần cung cấp trung bình từ 1,5-2 lít nước (bao gồm nước lọc, nước canh, nước hoa quả… ). Nhưng do cuộc sống bận rộn, nhiều người lại quên uống nước.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, uống ít nước sẽ khiến hệ tiết niệu ít việc, lượng nước tiểu lưu cữu, trở nên đậm đặc, chất đọng lại tăng lên, như thế dễ hình thành nên sỏi thận và sỏi đường tiết niệu.
Bởi vậy, uống nhiều nước sẽ tăng lượng bài tiết nước tiểu, làm loãng nước tiểu, giảm thấp nồng độ tinh thể trong nước tiểu, rửa đường niệu đạo, có lợi cho phòng chống sỏi thận và làm cho sỏi bài tiết ra ngoài.
Nên nhớ, uống đủ lượng nước ngay cả khi bạn không thấy khát.
5. Lười vận động
Lại thêm một thói quen của những con người bận rộn, suốt ngày “công với việc”. Với những người làm công việc văn phòng, việc ngồi quá nhiều trong một ngày mà không vận động có thể gây ra bệnh sỏi thận.
Các chuyên gia chỉ ra, nếu con người ta ít vận động, vừa không có lợi cho việc hấp thụ canxi, khiến lượng canxi bài tiết vào nước tiểu tăng lên, tích tụ từ đó hình thành nên sỏi mật.
Ngoài ra, thành bụng trong cơ thể sẽ lỏng lẻo, gây ra sa nội tạng, chèn ép ống mật, làm cho dịch mật không bài tiết được gây ra tích tụ, từ đó hình thành nên sỏi mật.
Để phòng bệnh, khi làm việc, cứ khoảng 2 tiếng bạn nên đứng dậy làm một số động tác thư giãn, đảm bảo một lượng vận động nhất định, thời gian vận động hàng ngày nên là khoảng 30 phút.
6. Nhịn đi tiểu
Thói quen cuối cùng mà nhiều người hay mắc phải là nhịn đi tiểu. Không chỉ gây nguy hại cho thận, từ đó hình thành sỏi thận, thói quen nhịn tiểu lâu, thường xuyên còn gây hậu quả nặng nề như nhiễm trùng tiểu, bệnh lý về thận, sỏi thân, bàng quang, đường tiết niệu, làm giảm chức năng sinh lý…
Do đó, bạn cần đi tiểu cho hết bãi, không nên nín nhịn, tránh để nước tiểu tồn lưu trong bàng quang.
Theo Soha