Phòng tắm là một trong những không gian chức năng có tần suất sử dụng nhiều nhất, nơi cần tạo cho bạn cảm giác thư giãn, thoải mái sau một ngày dài bận rộn. Do đó, việc thiết kế và bài trí phòng tắm đòi hỏi phải bảo đảm công năng, thẩm mỹ và sự tiện dụng, đặc biệt là đối với gia đình có người già, trẻ nhỏ.
Bài viết giới thiệu tới bạn đọc những nguyên tắc cơ bản khi thiết kế, trang trí không gian chức năng này.
Vị trí đặt phòng tắm
Thông thường, phòng tắm sẽ được đặt ở vị trí kín đáo ở phía cuối nhà, sao cho các phòng chức năng khác dễ dàng kết nối với phòng tắm. Đối với nhà phố quá nhỏ hẹp, gia chủ có thể tận dụng khoảng trống dưới gầm cầu thang để thiết kế phòng tắm, nhà vệ sinh chung. Nếu nhà nhiều tầng thì mỗi tầng nên bố trí một phòng tắm riêng hoặc có thêm phòng tắm trong phòng ngủ lớn.
Phòng tắm nên đặt ở vị trí cuối nhà và dễ dàng kết nối với các phòng chức năng khác. |
Theo các chuyên gia phong thủy, khi chọn vị trí cho phòng tắm, bạn cần lưu ý một số điều sau:
– Tránh đặt phòng tắm ở nơi có thể nhìn thấy cửa chính ra vào nhà, vừa không kín đáo, vừa khiến âm – dương xung khắc
– Không đặt nhà tắm ở trung tâm nhà bởi sẽ khiến khu vực quan trọng của cả ngôi nhà bị ô nhiễm
– Phòng tắm không nên đặt gần bếp nấu vì cách bố trí này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của cả gia đình
– Tránh đặt phòng tắm ở cuối hành lang nhà, nếu không khí ẩm và năng lượng xấu dễ lan sang các phòng khác
– Kỵ đặt phòng tắm ở vị trí mà người dùng phải đi qua phòng khách mới vào được.
Xác định hình dạng, kích thước của phòng tắm
Hình dạng
Hình dạng phổ biến nhất của phòng tắm là hình chữ nhật hoặc hình vuông. Tuy nhiên, trên thực tế, bạn nên căn cứ vào tổng diện tích của ngôi nhà cũng như hình dáng khu đất để lựa chọn hình dạng phòng tắm phù hợp, tiết kiệm diện tích nhất hoặc có thể theo sở thích cá nhân miễn là hài hòa với tổng thể.
Phòng tắm thường có dạng hình chữ nhật, hình vuông với diện tích sàn tối thiểu là 7,6m2. |
Diện tích
Gia chủ cần căn cứ vào tổng diện tích của ngôi nhà để xác định diện tích phòng tắm phù hợp. Nếu khu vực này quá hẹp sẽ khó đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt. Trong khi đó, nếu phòng tắm quá rộng sẽ gây lãng phí không gian. Diện tích sàn phòng tắm tối thiểu 7,6m2 là phù hợp nhất.
Lối vào
Cửa phòng tắm cần đảm bảo dễ dàng ra vào cho mọi thành viên trong gia đình, từ người già tới trẻ nhỏ, thậm chí là người khuyết tật. Với phòng tắm nhỏ, bạn nên lựa chọn kiểu cửa trượt liền tường chất liệu kính mờ để tiết kiệm diện tích và đảm bảo tính riêng tư cần thiết. Dạng cửa treo cũng là lựa chọn phù hợp trong trường hợp này. Chiều cao của cửa là 1,9m-2,1m-2,3m tương ứng với chiều rộng 0,68m-0,82m-1,02m sẽ thuận tiện nhất cho việc đi lại.
Chiều cao và bề rộng của cửa ra vào phòng tắm đảm bảo thuận tiện cho tất cả các thành viên trong gia đình. |
Mặt khác, bạn nên tuân theo các thông số tiêu chuẩn về kích thước sau để đảm an toàn, thuận tiện và gia tăng tính thẩm mỹ cho phòng tắm:
– Gạch lát phòng tắm kích thước 20x20cm
– Gạch ốp tường có thể sử dụng loại 20x30cm hoặc 20x20cm
– Chiều cao tối thiểu của trần phòng tắm là 2,2m
– Chiều cao từ sàn tới bồn rửa từ 82-85cm
– Chiều cao vòi sen 75-80cm.
Chất liệu nội thất và cách bài trí
Khi thiết kế phòng tắm, gia chủ nên lưu ý chọn các chất liệu có khả năng chống ẩm, trơn trượt tốt bởi khu vực chức năng này có nhiều nước và hơi nước nhất. Đối với trần nhà tắm, nơi phải hứng chịu rất nhiều hơi nước, bạn cần lựa chọn vật liệu chống chống ẩm, chống thấm và chịu nhiệt tốt nhất có thể.
Chất liệu nội thất phòng tắm cần có khả năng chống thấm, ẩm mốc và trơn trượt. |
Bạn cũng nên sử dụng chất liệu gạch có độ nhám cao, chống trơn trượt cho sàn nhà tắm. Trên thị trường hiện có rất nhiều loại gạch được sản xuất riêng cho phòng tắm nên bạn có thể thỏa sức lựa chọn màu sắc, mẫu mã phù hợp với sở thích cũng như không gian tổng thể.
Tương tự, vách phòng tắm cũng cần phải có chất liệu chống nước, chống ẩm tốt. Hiện nay, các loại đá ốp tường nhà tắm được thiết kế trơn nhẵn, hoa văn bắt mắt và có khả năng khô nhanh. Tuy nhiên, bạn nên chọn màu sắc, kiểu dáng của gạch ốp tường hài hòa với màu nền.
Chất liệu nội thất phòng tắm cần có khả năng chống thấm, chống ẩm và trơn trượt. |
Về bài trí nội thất, trước hết chủ nhân cần căn cứ vào diện tích mặt bằng, nhu cầu sử dụng, sở thích và điều kiện tài chính để lựa chọn các món đồ phù hợp. Với phòng tắm có diện tích khiêm tốn nên sử dụng nội thất nhỏ gọn. Chủ nhân có thể sử dụng nội thất cỡ lớn hơn, thiết kế sang trọng, cầu kỳ tùy sở thích cho phòng tắm rộng rãi.
Thay vì sắp xếp theo dãy trên tường, bạn cần xác định tâm điểm của không gian và bố trí các món đồ xung quanh trung tâm. Với cách bài trí này, khi đứng từ trung tâm căn phòng, bạn có thể di chuyển nhanh nhất tới khu vực mình muốn. Đặc biệt, trong trường hợp phòng tắm tích hợp nhà vệ sinh, chủ nhân cần đảm bảo khoảng cách tối thiểu từ tâm toilet tới vách ngăn, tường phụ hoặc vật cản khác là 38cm hoặc từ tâm toilet đến hệ thống cấp thoát nước là 76cm.
Thông gió và chiếu sáng
Trong thiết kế phòng tắm, cửa sổ được xem là yếu tố vô cùng quan trọng giúp không gian thông thoáng và là nơi đón sáng tự nhiên hiệu quả. Kích thước tối thiểu của cửa sổ là 0,3m và phải mở được ít nhất 1 cánh. Bạn nên bố trí cửa sổ gần trần nhà để giải phóng không gian trên tường, giúp lắp đặt dễ dàng các phụ kiện như thanh treo quần áo, khăn tắm. Đồng thời, để đảm bảo sự kín đáo, riêng tư cho người dùng, cửa sổ nhà tắm nên làm bằng chất liệu kính mờ hoặc sử dụng thêm rèm che nếu cần.
Khung cửa sổ kính giúp không gian phòng tắm thoáng đãng và ngập tràn ánh sáng. |
Trong trường hợp không thể trổ cửa sổ cho phòng tắm, một ô thông gió là giải pháp thay thế lý tưởng. Cùng với đó, gia chủ nên lắp một chiếc quạt thông gió để phục vụ nhu cầu thông khí. Tuy nhiên, cần đảm bảo ống dẫn quạt thông gió nhà tắm ra bên ngoài của ngôi nhà, giúp không gian này luôn thoáng đãng, không bị ám mùi.
Về chiếu sáng, bạn nên dùng kiểu đèn có ánh sáng vàng dịu nhẹ cho phòng tắm. Ngoài đèn lắp ở trần nhà, có thể sử dụng thêm đèn chiếu cục bộ ở gương soi. Đèn chiếu sáng nếu được lựa chọn và lắp đặt phù hợp sẽ giúp tôn lên vẻ đẹp của nội thất phòng tắm, tạo cảm giác sang trọng, thư thái…
Lưu ý, không lắp quá nhiều đèn hoặc để đèn quá thấp để tránh dính nước cũng như gia tăng tuổi thọ cho đèn. Công tắc đèn cần bố trí ở trên tường gần lối đi vào nhà tắm nhất, ổ điện cách nơi có nguồn nước tối thiểu 182cm.
Màu sắc phòng tắm
Khi thiết kế và bài trí nội thất phòng tắm, màu sắc là yếu tố mà bạn không thể bỏ qua, thậm chí còn phải dành sự quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ, màu sắc không chỉ gia tăng tính thẩm mỹ cho căn phòng mà còn giúp người dùng cảm thấy thư giãn hơn.
Phòng tắm màu trắng sáng tạo cảm giác thoáng rộng cho không gian mà mang đến sự thư thái cho người dùng. |
Theo các chuyên gia nội thất, phòng tắm nên sử dụng các tông màu sáng, màu pastel nhẹ nhàng để tạo cảm giác thư thái và thoáng rộng hơn cho không gian. Sắc trắng là gam màu phổ biến, nhất là đối với phòng tắm nhỏ hẹp. Màu trắng tạo cảm giác sạch sẽ, thoáng đãng và hút sáng tự nhiên rất tốt.
Trong khi đó, việc sử dụng màu xanh lá nhạt hoặc màu lam nước biển cho phòng tắm sẽ tạo cảm giác bình yên, dịu mát và gần gũi với thiên nhiên. Nếu phòng tắm rộng rãi, bạn có thể bài trí với những tông màu trầm hơn nhưng không nên quá tối vì sẽ khiến căn phòng trở nên lạnh lẽo, u ám.
Trang trí và lưu trữ
Gương là vật dụng không thể thiếu đối với phòng tắm. Kết hợp cùng một bóng đèn nhỏ, gương soi sẽ khiến nhà tắm trở nên sang trọng, bắt mắt hơn. Đặc biệt, gương cỡ lớn còn giúp hút sáng, khuếch tán ánh sáng tạo cảm giác thoáng rộng hơn cho căn phòng. Ngoài ra, bạn có thể trang trí phòng tắm bằng hoa, cây xanh, nến thơm, tranh treo tường phù hợp.
Chủ nhân khéo léo tận dụng góc chết trong phòng tắm để thiết kế kệ lưu trữ, bài trí chậu cây nhỏ xinh tạo điểm nhấn sinh động cho căn phòng. |
Về không gian lưu trữ, đây được xem là một thách thức trong thiết kế phòng tắm, nhất là đối với phòng tắm nhỏ. Tủ treo tường sẽ giúp tiết kiệm tối đa không gian phòng, là nơi bạn cất gọn mỹ phẩm, dầu gội hoặc những vật dụng nhỏ trong phòng tắm. Nếu không thích dạng tủ này, bạn có thể bố trí các giá kệ dạng mở gắn trực tiếp lên tường hoặc móc treo đồ sau cửa ra vào phòng tắm. Khoảng trống dưới bồn rửa mặt cũng được nhiều người tận dụng để bố trí tủ đựng khăn tắm hoặc các hóa chất tẩy rửa…
Ngoài ra, khi thiết kế và bài trí phòng tắm, bạn cần lưu ý một điều sau đây:
– Các đường ống nước cần được lắp đặt chính xác và hợp lý. Gia chủ nên dùng các loại ống theo tiêu chuẩn, chủng loại. Đường ống phải đảm độ dốc nếu đi ngang.
– Vị trí lỗ thoát nước phải có độ nghiêng nhất định để tránh ứ đọng nước trong phòng tắm
– Các thiết bị điện cần đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh rò rỉ điện
– Tay nắm cửa phải để ở vị trí thuận tiện cho mọi lứa tuổi
– Vòi hoa sen phải điều chỉnh được theo nhiều hướng khác nhau
– Gương không nên đặt quá cao, nên đặt ở vị trí đủ để thấy được chân dung người dùng
– Nếu cần thiết có thể lắp đặt thêm các tay vịn bằng thép không gỉ tại khu vực vòi hoa sen, phía trên bồn tắm, xung quanh nhà vệ sinh để đảm bảo độ an toàn, tránh trơn trượt.
Theo Báo mới