Nguyên nhân gây viêm họng ở phụ nữ mang thai có thể do virut, vi khuẩn, nấm… Và chính sự thay đổi nội tiết trong thời kỳ mang thai cũng là một trong những yếu tố thuận lợi gây viêm họng ở thai phụ.
Viêm họng ở phụ nữ mang thai lại thường hay xuất hiện trong ba tháng đầu của thai kỳ với các biểu hiện sốt, kèm theo ho, đau rát họng… (giống như viêm họng ở người bình thường). Trong khi đó, ở khoảng thời gian này việc sử dụng thuốc phải hết sức thận trọng để tránh tác động xấu của thuốc tới thai nhi.
Trong trường hợp viêm họng do virut thì không cần dùng kháng sinh mà chỉ cần dùng các thuốc điều trị triệu chứng: hạ sốt (dùng paracetamol, không được dùng aspirin vì dễ gây quái thai trong 3 tháng đầu, còn 3 tháng cuối nếu dùng aspirin sẽ gây các rối loạn ở phổi, liên quan đến việc đóng ống động mạch của bào thai trong tử cung, mặt khác có thể kéo dài thời gian mang thai và chậm chuyển dạ). Thuốc giảm ho có thể dùng là dextromethorphan, nhưng chỉ sử dụng khi triệu chứng ho làm ảnh hưởng tới thai phụ như ho liên tục làm họ không ăn uống gì được, ho có thể ảnh hưởng đến thai như gây sảy thai… Để giảm đau họng, tốt nhất chỉ nên súc họng bằng nước muối pha loãng hoặc điều trị bằng thuốc chấm họng không ảnh hưởng tới thai nhi hoặc có thể sử dụng một số bài thuốc Đông y như chế phẩm viên ngậm từ xạ can, cao cồn xạ can, cát cánh, trần bì, la hán, kha tử… cũng có tác dụng tốt trong điều trị viêm họng, giảm đau, chống viêm tấy, làm mềm và ẩm niêm mạc họng, kích thích xuất tiết, giảm phản xạ ho…
Nếu viêm họng do vi khuẩn cần phải dùng đến kháng sinh để điều trị. Một số kháng sinh có thể dùng như nhóm kháng sinh beta-lactam (các penicilin, cefalosporin và car- bapenem). Nếu bị dị ứng với các thuốc kháng sinh trên có thể dùng nhóm macrolid như erythromycin, clarithromycin, azithromycin… Tuy nhiên, cần lưu ý, phụ nữ có thai không được tự điều trị viêm họng mà việc dùng các thuốc trên phải do bác sĩ chỉ định và được sự theo dõi của bác sĩ.
Theo Phunutoday