Công dụng của liệu pháp tắm hoa, trước hết là tạo nên tâm lý vui tươi, giải tỏa căng thẳng thần kinh và làm thỏa mãn lòng yêu hoa và yêu cái đẹp của con người.
Nếu bây giờ bạn đến một trung tâm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp nào đó, sau khi xông hơi và xoa bóp, bạn có thể được đắm mình trong những bồn nước có thả đầy hoa. Nước ấm cùng với màu sắc và hương thơm tự nhiên của các loài hoa sẽ khiến bạn có được một cảm giác hết sức dễ chịu và sảng khoái. Lúc này, có thể bạn sẽ tự hỏi rằng: liệu pháp tắm hoa có tự bao giờ và công dụng của nó ra sao?
Thực ra, phương thức dùng hoa thả vào bồn nước tắm đã có một lịch sử rất lâu đời, ít nhất là hơn 3.000 năm nay. Y thư cổ gọi đó là “hương thang” và được xếp vào phạm vi “dược dục liệu pháp” (phương pháp điều trị bằng tắm thuốc), ngày nay người ta gọi là “tắm hoa”.
Công dụng của liệu pháp tắm hoa, trước hết là tạo nên tâm lý vui tươi, giải tỏa căng thẳng thần kinh và làm thỏa mãn lòng yêu hoa và yêu cái đẹp của con người. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt trong thời buổi hiện nay khi con người luôn bị cuốn mình bởi sức ép của công việc và nhịp sống ngày càng trở nên căng thẳng và sôi động.
Tác dụng của nước, khi tắm ngâm, nước tác động lên cơ thể bởi ba yếu tố: (1) áp lực của nước có khả năng xoa bóp toàn thân, thúc đẩy tuần hoàn huyết dịch, nâng cao năng lực hoạt động của tim và phổi, giảm đau, chống co thắt, phục hồi hoạt động của cơ khớp, giảm phù nề và chống viêm tích cực; (2) độ ấm của nước có tác dụng làm giãn mạch, hạ huyết áp, điều tiết quá trình hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh, làm giãn cơ, giảm đau, nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể, phục hồi hoạt động của cơ khớp… (3) nước tẩy rửa các chất cặn bã, làm ẩm da, khiến cho da được sạch sẽ và nhu nhuận.
Tác dụng của các hoạt chất có trong thành phần của hoa hòa tan trong nước và thẩm thấu qua da vào cơ thể hoặc là tác dụng của các chất thơm từ hoa tỏa ra rồi tác dụng lên cơ thể thông qua khứu giác. Chất thơm của hoa, ví như tinh dầu chanh, tinh dầu quế, tinh dầu hoa hồng…, trong đó có chứa alcohol, xeton, este có tác dụng sát khuẩn, điều hòa chức năng trung khu thần kinh và hạn chế tác hại của vi sinh vật gây bệnh. Theo dược học cổ truyền, mùi thơm của hoa có công dụng lưu thông khí huyết, tỉnh tỳ trợ khí, dưỡng tâm an thần, góp phần điều tiết công năng của các tạng phủ, từ đó mà đạt được mục đích phục hồi sức khỏe và phòng chống bệnh tật.
Tuy nhiên, hoạt chất và tinh dầu thơm của mỗi loại hoa khác nhau thì công dụng cũng không giống nhau. Ví như, hương thơm của hoa thiên trúc làm người ta trấn tĩnh, xóa hết căng thẳng, mệt mỏi và đi vào giấc ngủ nhanh hơn; hương thơm của hoa cúc trắng làm hạ huyết áp; hương thơm của hoa đinh hương và xuyên khung có tác dụng giảm đau; hương thơm của hoa dương tú cầu làm giãn cơ trơn các phế quản giúp phòng ngừa bệnh hen suyễn; hương thơm của hoa quế có công dụng hóa đờm, giảm ho, bình suyễn, giúp phòng chống bệnh viêm phế quản mạn tính; tắm bằng hoa cúc và hoa sắn dây có thể giảm cảm sốt; tắm bằng hoa kim ngân và hoa kiều mạch dại giúp chữa bệnh da liễu; tắm bằng hồng hoa và hoa lăng tiêu có tác dụng làm giảm độ kết dính tiểu cầu, phòng ngừa các bệnh lý huyết khối; tắm bằng hoa cà độc dược có thể chữa ho, viêm khí phế quản; tắm bằng hoa hồng và hoa nhài có khả năng giúp cho người bị viêm họng, viêm amydal cảm thấy dễ chịu…
Ngoài ra, người ta còn nhận thấy một điều thú vị là: màu sắc của hoa khác nhau thì công dụng cũng khác nhau. Hoa màu tím có thể làm cho phụ nữ có thai trở nên điềm tĩnh; hoa màu hồng khiến bệnh nhân ăn ngon miệng hơn; hoa màu đỏ sẫm có thể làm tăng huyết áp…
Theo quan niệm của y học cổ truyền, mỗi loại hoa đều có tính, vị khác nhau và có khả năng đi vào các đường kinh không giống nhau, tạo nên công dụng trị liệu có tính đặc thù. Cụ thể: (1) Tác dụng sơ phong tán nhiệt, chuyên dùng để chữa các chứng bệnh vùng đầu mặt, ví dụ cúc hoa, kim ngân hoa, tân di hoa, mật mông hoa, chi tử hoa, cát căn hoa… (2) Tác dụng hóa đàm chỉ khái, chuyên chữa các bệnh đường hô hấp, ví như khoản đông hoa, dương kim hoa, đỗ quyên hoa, hoa hublông… (3) Tác dụng thanh nhiệt lý khí, chuyên dùng chữa bệnh đường tiêu hóa, ví như tuyền phúc hoa, kim ngân hoa, phù dung hoa, biển đậu hoa, thạch lựu hoa, hòe hoa… (4) Tác dụng hoạt huyết hóa ứ, chuyên trị các bệnh tim mạch, ví như kê quan hoa, hồng hoa, cúc hoa, dã cúc hoa, dương kim hoa… (5) Tác dụng hành huyết chỉ đới chuyên chữa các bệnh phụ khoa, ví như nguyệt lý hoa, linh lăng hoa, hồng hoa, kê quan hoa, biển đậu hoa… (6) Tác dụng lương huyết giải độc, chuyên trị các bệnh da liễu, ví như đào hoa, hạnh hoa, liên hoa, đinh hương hoa, dương kim hoa, kim ngân hoa… (7) Tác dụng giải uất, trấn tĩnh, chuyên dùng cho các bệnh thần kinh, ví như dương kim hoa, hoàng nguyên hoa, thiên lý hoa, liên hoa…
Tắm hoa không chỉ đơn thuần mang tính thẩm mỹ mà còn mang đậm tính khoa học y học nhằm mục đích phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho con người. Bởi vậy, có người cho rằng: cùng với dược hoa, trà hoa, thực phẩm hoa, gối hoa…, tắm hoa là một bộ phận trong “Hương hoa liệu pháp”, một phương thức trị liệu và làm đẹp độc đáo đang ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, thật khó có thể kể hết tên của các loài hoa và mỗi loài hoa có những tính năng, tác dụng khác nhau, nhất là khi chúng được kết hợp với nhau trong cùng một công thức. Bởi vậy, để đảm bảo phát huy triệt để hiệu quả của “tắm hoa liệu pháp” và dự phòng những tác dụng không mong muốn, người ta phải nắm vững đặc tính, công năng của từng loại và thực hành kỹ thuật chuẩn xác. Ví như: có thể chọn hoa tươi hoặc hoa khô, nếu là hoa tươi thì lượng phải lớn hơn. Thông thường, nếu tắm ngâm toàn thân thì cần khoảng 500g hoa tươi (lượng dùng của hoa khô ước khoảng 1/3 lượng dùng của hoa tươi). Nhiệt độ của nước chừng 40oC là vừa, thời gian tắm ngâm ít nhất phải trên 10 phút. Khi tắm ngâm phải hít thở thật sâu và sau đó không cần dùng nước sạch tráng lại để tận dụng triệt để “hương hoa” tự nhiên nhằm đạt được mục đích làm đẹp và giữ gìn sức khỏe.
Theo Suckhoedoisong