Theo số liệu của viện nghiên cứu phòng chống Ung thư – Bệnh viện K Trung ương, mỗi năm có khoảng 12.000 trường hợp mới mắc ung thư vú. Nếu phát hiện ở giai đoạn 1, cơ hội chữa khỏi lên tới 90%. Tuy nhiên, chỉ có 22% phụ nữ tự thực hiện khám vú, mặc dù việc tự kiểm tra vú có vai trò rất lớn để phát hiện sớm ung thư vú.
Phát hiện ung thư nhờ thường xuyên tự khám vú
Chị Trần Hải Hà trú tại Hoàng Mai, Hà Nội không thể nào quên được nốt mụn nhỏ như nốt muỗi đốt, sờ thấy cứng nhưng không đau. Chị thấy không yên tâm khi nó xuất hiện ở ngực, sau gần 1 năm không thay đổi.
Chị Hà đến một phòng khám tư nhờ bác sĩ khám. Nhờ kinh nghiệm 30 năm, vị bác sĩ nghi ngờ đó là u vú, yêu cầu chị đến Bệnh viện K kiểm tra cho chắc chắn. Chị Hà đã đến Bệnh viện K chụp nhũ ảnh, bác sĩ phát hiện có khối u bất thường và tiến hành sinh thiết. Đó là khối u ác tính!
Chị được bác sĩ làm phẫu thuật nhưng tế bào vẫn khu trú nên sau phẫu thuật chị Hà được xạ trị. 3 năm sau điều trị, đến nay sức khoẻ của chị vẫn rất tốt.
Cùng hoàn cảnh với chị Hà, em gái chị cũng phát hiện u ngực nhờ thời gian chăm sóc chị gái ở Bệnh viện K được bác sĩ tư vấn cách tự khám vú ở nhà. Mỗi lần tắm chị lại sờ xung quanh ngực và chị phát hiện thấy khối u. Dù chỉ là nhân xơ thông thường nhưng đây cũng là cách giúp chị phát hiện sớm bệnh ung thư.
Theo các chuyên gia về ung thư, biện pháp sàng lọc ung thư vú quan trọng nhất đó là khuyến cáo chị em nên tự khám vú mỗi tháng chỉ 1 – 2 lần sau 10 ngày của chu kỳ kinh nguyệt để phát hiện bất thường ở vùng ngực.
Đến nay, việc sàng lọc bằng tự kiểm tra vú vẫn được xem là hiệu quả cao nhất, là dấu hiệu để bác sĩ có thể cho kiểm tra các biện pháp khác nhằm phát hiện ung thư vú.
Theo số liệu của viện nghiên cứu phòng chống Ung thư – Bệnh viện K Trung ương, mỗi năm có khoảng 12.000 trường hợp mới mắc ung thư vú. Nếu phát hiện ở giai đoạn 1, cơ hội chữa khỏi lên tới 90%. Tuy nhiên, chỉ có 22% phụ nữ tự thực hiện khám vú, mặc dù việc tự kiểm tra vú có vai trò rất lớn để phát hiện sớm ung thư vú.
Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức – Nguyên Giám đốc Bệnh viện K, nguy cơ mắc ung thư vú đối với phụ nữ trung bình là khoảng 1/8 trong suốt cuộc đời. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới ung thư vú như do gen, do các tác động của môi trường, do thức ăn.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu, nguyên nhân khiến phụ nữ Việt Nam bị ung thư vú do gen chỉ chiếm chưa tới 1%, còn ở các nước khác chiếm tỷ lệ cao hơn, khoảng 30%.
Cách tự khám vú
GS Đức chia sẻ cách tự kiểm tra vú cho các chị em phụ nữ cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị khám vú, nên kiểm tra ở nơi có đầy đủ ánh sáng, tư thế thoải mái.
Bước 2: quan sát – xuôi tay quan sát xem có các thay đổi ở vú: u cục, dày lên, lõm da, hoặc thay đổi màu sắc da.
Đưa tay ra sau gáy sau đó quan sát lại.
Chống tay lên hông làm cử động cơ ngực lên xuống bằng động tác nâng vai lên hoặc hạ vai xuống, động tác này làm rõ hơn các thay đổi ở vú nếu có.
Bước 3: Sờ nắn: Nặn nhẹ đầu vú xem có dịch chảy ra hay không, đưa tay phải ra sau gáy, dùng tay trái sờ nắn vú phải, 4 ngón tay đặt sát vào nhau thành một mặt phẳng, ép đều đặn lên các vùng khác nhau của tuyến vú vào thành ngực theo hướng vòng xoáy ốc từ đầu vú ra phía ngoài.
Kiểm tra từng vùng của vú và cả về phía hố nách. Khi 1 phụ nữ có dấu hiệu trên, chưa hẳn đã là ung thư vú nhưng cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và chẩn đoán chính xác.
Phụ nữ từ 30 tuổi trở nên nên định kỳ khám vú tại các cơ sở chuyên khoa từ 1 – 3 năm một lần. Với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên cần định kỳ khám mỗi năm 1 lần.
Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên cần định kỳ chụp Xquang tuyến vú đồng thời khám vú tại cơ sở y tế. Chụp Xquang tuyến vú có thể phát hiện các tổn thương bất thường ở tuyến vú ngay cả khi chưa sờ thấy khối u.
GS Đức cho biết đối với phụ nữ có nguy cơ cao như: Đã từng xạ trị vùng ngực, gia đình có người bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng mang gen hoặc mắc một số hội chứng di truyền hoặc bản thân bị u vú, ung thư vú đã điều trị cần đi khám sớm hơn.
Theo Eva