Có một số loại cây mọc mầm lại tạo nên độc tố, cực độc. Chính vì vậy, chúng ta nên cảnh giác khi ăn cây mọc mầm, nếu không nó sẽ gây nên những tác hại rất lớn.
Thời gian gần đây, không ít chị em lên các diễn đàn chia sẻ rầm rộ thông tin về việc ăn rau, củ mọc mầm. Thậm chí, có nhiều chị em còn đồn thổi về những loài cây, củ mọc mầm có thể chữa được bệnh ung thư. Tuy nhiên, đó chỉ là “lời đồn” và chưa có các công trình nghiên cứu, kiểm chứng thực hư.
Về các loại rau, củ mọc mầm, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, một số loại rau mầm có giá trị dinh dưỡng gấp đôi thậm chí là nhiều hơn hẳn so với rau thường. Tuy nhiên, có một số loại cây mọc mầm lại tạo nên độc tố, cực độc. Chính vì vậy, chúng ta nên cảnh giác khi ăn cây mọc mầm, nếu không nó sẽ gây nên những tác hại rất lớn.
Chẳng hạn như một số rau mầm sau chúng ta không nên ăn hoặc khi ăn nên cân nhắc kỹ lưỡng:
Khoai tây
PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh lý giải, khoai tây nảy mầm cực kỳ độc hại có thể gây chết người. Khoai tây là sinh ra độc để bảo vệ cây non khỏi bị sâu bọ ăn. Nếu ăn phải khoai tây mọc mầm, chúng ta sẽ bị đau bụng, tiêu chảy thậm chí là sốt, sốc ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ thể, thậm chí gây tử vong.
Trong khoai tây có chứa nhiều chất solanine. Đây được coi như một dạng chất kháng sinh của thực vật với lượng chất độc acid cyanic lớn. Nếu khoai tây được bảo quản ở nơi có ánh sáng, nhiệt độ cao, phù hợp sẽ nảy mầm. Trong khoai tây nảy mầm sẽ có một lượng solanine ở chân mầm và lớp vỏ xanh bên ngoài. Khi ăn khoai tây mọc mầm, chúng ta sẽ thấy đắng, thậm chí là không thể ăn được.
Mầm măng và củ sắn
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, một số cây sinh ra đã có chất độc chẳng hạn như cây sắn, cây măng củ. Củ sắn rất độc, trong củ sắn chứa alkaloid solanine. Khi bị ngộ độc, người bệnh có triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, tức ngực, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Gừng mọc mầm
Nhiều nghiên cứu thấy, khi bị dập nát hoặc hỏng, bên trong củ gừng sinh ra một chất độc hại có tên là shikimol. Đặc biệt gừng để lâu, mọc mầm mặc dù vẫn còn vị cay nhưng cũng nguy hiểm nếu dùng. Vì nếu chế biến nó có thể sinh ra chất lưu huỳnh, độc tố gây tổn thương cho gan.
Nếu ăn gừng đã mọc mầm, dạ dày và ruột hấp thụ được rất ít chất dinh dưỡng, có khi nó còn làm cho tế bào gan nhiễm độc và biến tính, tổn hại tới công năng bài tiết của gan. Bởi thế, khi chọn gừng, bạn cần chọn gừng tươi, bề ngoài không bị héo, dập nát và đã có hiện tượng nảy mầm.
Hạt lạc
Các chuyên gia lý giải, ăn lạc mọc mầm không những không có giá trị dinh dưỡng mà cơ thể còn hấp thụ một loại độc tố, nếu ăn vào có thể dẫn tới bệnh ung thư gan. Lúc đầu mầm có màu vàng, sau chuyển thành màu xanh vàng, cuối cùng là màu xanh lục.
Nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần đun lên ăn hoặc có thể phơi để cho mầm teo lại, tuy nhiên độc tố vẫn ở lại “rình rập” thậm chí gây nguy hiểm cho người dùng. Bởi vậy, chúng ta không nên ăn hạt lạc đã mọc mầm.
Theo Phunutoday